Khi tổng thống Pháp phải ra lệnh cấm!
Năm 1957, văn đàn Pháp sôi sục với cuốn tiểu thuyết bị cho là “khiêu dâm” Emmanuelle - The Joys of a Woman của tác giả khuyết danh. Nhưng sự nổi tiếng quá nhanh của cuốn tiểu thuyết đã tạo sức ép cực lớn khiến ban biên tập của nhà xuất bản phải tiết lộ tên tác giả là Emmanuelle Arsan. Thực chất Emmanuelle Arsan chỉ là bút danh của Marayat Rollet-Andriane, một nữ văn sĩ Pháp gốc Á sinh năm 1932 tại Bangkok, Thái Lan. Cuốn tiểu thuyết Emmanuelle của bà phơi bày tỉ mỉ các “kỳ tích” phòng the của Emmanuelle – “người vợ chán nản” của một nhà ngoại giao Pháp tại Thái Lan.
Cuốn sách thật sự gây ra một cơn địa chấn ở Pháp – trở thành một trong những nhân tố đầu tiên khơi mào cuộc “cách mạng tình dục” sẽ bùng nổ khắp châu Âu sau đó vài năm. Những người bảo thủ chiếm đa số trong nghị viện Pháp đã phản ứng quyết liệt, đến mức chính phủ của tổng thống Pháp Charles DeGaulle đã phải ra lệnh cấm lưu hành vĩnh viễn tiểu thuyết Emmanuelle trên toàn nước Pháp!
Emmanuelle bước lên màn ảnh
Emmanuelle xuất hiện đầu tiên trên màn bạc vào năm 1969 với bộ phim Ý Io, Emmanuelle do Erika Blanc thủ vai chính. Bộ phim thất bại nặng và nhấn chìm sự nghiệp của đạo diễn Cesare Canevari xuống bùn.
Ngày 15/07/1974 là một bước ngoặt lớn… Chính phủ mới của tổng thống Pháp Pompidou đã “ân xá” cho cuốn tiểu thuyết Emmanuelle. ASP (Alain Siritzky Productions) - một hãng phim nhỏ ở Pháp - từ lâu đã mua được quyền chuyển thể cuốn sách lên màn ảnh, nhanh chóng triển khai sản xuất bộ phim. Vai trò đạo diễn được giao cho một người có cái tên lạ hoắc là Just Jaeckin - nhà nhiếp ảnh thời trang và thiết kế nội thất, chưa làm phim bao giờ!
Việc lựa chọn diễn viên thủ vai chính Emmanuelle là công việc quan trọng và khó khăn nhất. Bởi hầu như bất cứ nữ diễn viên nào đọc xong kịch bản đều… ù té chạy, vì nó quá trần trụi và táo bạo chưa từng thấy!... Cuối cùng người được chọn là một cái tên cũng lạ hoắc đến từ Hà Lan và cũng chưa đóng phim bao giờ: Sylvia Kristel.
Sylvia Kristel đoạt ngôi vương miện Hoa hậu truyền hình châu Âu năm 1973. Trong buổi quay một sản phẩm quảng cáo, một người đại diện tiến đến hỏi Syvia có muốn sang phòng bên, ở đó đang tổ chức thử vai một bộ phim, hay không. Cô tò mò bước sang… Sau này Sylvia Krystel nhớ lại buổi casting định mệnh đó như sau: “… Lúc ấy tôi đang mặc một cái váy dài mỏng dài đến giữa đùi, có điểm thêm những hoa văn tinh tế ở cầu vai. Tôi ngồi xuống và mỉm cười. Lúc ấy tôi 20 tuổi tràn đầy sức sống và khao khát chinh phục. Tôi tranh thủ lúc họ hỏi một câu nhạt nhẽo về trình độ học vấn của mình để hạ thấp bờ vai từ từ về phía trước… cho tới khi một cái cầu vai bị rơi ra… rồi tiếp đến cái còn lại…”. Lúc ấy cả Sylvia Kristel cũng nghĩ rằng, cái kịch bản “trần như nhộng” này sẽ không bao giờ được cơ quan kiểm duyệt cho qua, đồng nghĩa bộ phim làm ra sẽ không bao giờ được phát hành. Sylvia Kristel nhận lời với lý do duy nhất: Emmanuelle sẽ được quay gần như hoàn toàn tại Thái Lan, đó là cơ hội lý tưởng để hai vợ chồng cô được đi chơi miễn phí!
Và thành một thương hiệu toàn cầu
Khác với nhiều phim cố gắng để tránh bị xếp loại X (phim khiêu dâm), bộ phim Emmanuelle “chính gốc Pháp” này lại… cố gắng để đạt loại X! Cần phải khẳng định rằng Emmanuelle không phải là một bộ phim sex, nó chỉ là một phim tình cảm táo bạo và trần trụi hơn bất cứ một bộ phim nào cho đến thời điểm đó. Nó tiến sát đến ranh giới của những gì được chấp nhận trên màn ảnh. Nhưng điều quan trọng là nó xuất hiện đúng thời điểm, cộng với cơn sốt “cách mạng tình dục” thông thoáng đã làm thay đổi những quy tắc kiểm duyệt. Emmanuelle được công chiếu rộng rãi trong những rạp “phổ thông” chứ không phải rạp dành riêng cho những người mê phim sex.
Trong 14 tuần đầu tiên sau khi phát hành, 2,5 triệu đàn ông Pháp đã xếp hàng trước cửa rạp! Tổng cộng, 1/7 dân số Paris đã xem phim này. Rạp La Triumph ở Champs-Élysées đã khiến cho Sylvia Kristel phải kinh ngạc với hàng đoàn người rồng rắn xếp hàng. Hơn thế nữa, nó tiếp tục được chiếu cũng trong rạp đó suốt 13 năm! Đến nay, Emmanuelle vẫn là bộ phim được nói đến nhiều nhất, lên báo nhiều nhất, tranh cãi nhiều nhất… và nhiều người xem nhất trong lịch sử điện ảnh Pháp!
Sang Mỹ, phim không bị kiểm duyệt, nhưng bị dán nhãn nặng nhất là NC-17 (trên 17 tuổi mới được mua vé xem phim). Các nhà tiếp thị Mỹ của Emmanuelle đã dùng chiến thuật “phóng đại”. Một trailer quảng cáo đã hét lên: “Mười hai triệu đàn ông Pháp đã từng xếp hàng để chờ xem nó!”. Ở Anh các nhà kiểm duyệt ngần ngại trước những cảnh quá nhạy cảm trong phim, nhưng cuối cùng, cảnh Emmanuelle bị hãm hiếp như là một phần bài học “giáo dục giới tính” của cô, là cảnh duy nhất bị cắt. Sự châm chước nhẹ tay này, đánh dấu một khoảnh khắc mang tính bước ngoặt trong công tác kiểm duyệt phim của nước Anh. James Ferman, người khi đó là nhân viên kiểm duyệt phim của Anh, kể lại là đã xem Emmanuelle trong một rạp hát đầy những nhóm phụ nữ trẻ. Ferman bảo rằng đó là “bộ phim X đầu tiên không dành riêng cho giới mày râu”. Trong một cảnh Emmanuelle nằm phía trên trong suốt một cảnh tình tự, tại một rạp hát ở Paris, một nhóm người Nhật đấu tranh cho quyền phụ nữ đã đứng lên vỗ tay. Những người phương Tây đấu tranh cho nữ quyền cũng cho rằng ý nghĩa của bộ phim là tích cực.
Emmanuelle cũng là bộ phim ăn khách trên quốc tế và đạt được doanh thu toàn cầu ước tính lên đến 300 triệu Franc. Trong một cuộc phỏng vấn, Sylvia Kristel cho biết con số thật sự, nếu tính cả video, là gần 650 triệu Franc.
Còn Sylvia Kristel? Có thể khẳng định tất cả những kỳ tích kể trên của bộ phim đều do cô tạo ra. Với Emmanuelle, cô đã biến bộ phim thành show diễn vĩ đại nhất của cuộc đời mình. Kristel được trả thù lao chỉ 6.000 USD cho vai Emmanuelle, và vội vã bán đứt phần lợi tức được chia trên doanh thu nội địa của bộ phim chỉ với giá 150.000 USD. Thật tiếc bởi doanh thu nội địa sau này đã lên đến 26 triệu USD (thời điểm 1974).
Rút kinh nghiệm, từ năm 1975, khi ký hợp đồng làm tiếp Emmanuelle 2, Krystel đã thương lượng để có hợp đồng 100.000 USD cho vai diễn, cộng với khoản phần trăm lợi nhuận sau phim kếch sù. Nhưng trên tất cả, Emmanuelle đã biến Sylvia Kristel trở thành một siêu sao lớn với đủ thứ những vinh quang và xa hoa kèm theo. Cô chỉ sai lầm khi chuyển sang Hollywood lập nghiệp – nơi đây không có chỗ cho những diễn viên chỉ hoàn toàn dựa vào cảnh khỏa thân như cô!
Cuộc dạo chơi cuối cùng của Kristel với tư cách Emmanuelle là khi cô trở lại Pháp để xuất hiện trong phần 3: Goodbye, Emmanuelle (1977). Kristel bước ra khỏi vai này vào những năm 1980, nhường chỗ cho các nữ diễn viên trẻ hơn (nhưng không một ai thành công như Kristel). Rồi sau đó, Krystel trở lại trong bộ phim thứ bảy và tiếp tục đóng vai phụ là một Emmanuelle lớn tuổi trong các bộ phim truyền hình cáp.
Phần cuối Goodbye, Emmanuelle lại là sự khởi đầu của một thương hiệu ăn khách mà đến nay đã đẻ ra hơn 60 bộ phim ăn theo của đủ mọi quốc tịch, đủ mọi thể loại từ kinh dị cho đến giả tưởng. Hầu hết là nhảm nhí, chỉ những phim và loạt phim truyền hình do hãng phim ASP sản xuất mới là chính thức và được dựa theo nhân vật do Emmanuelle Arsan tạo ra.
Còn gì đọng lại sau khi xem Emmanuelle? Đó là ca khúc chủ đề bất hủ Emmanuelle do ca nhạc sĩ người Pháp Pierre Bachelet sáng tác và trình bày. Với chất giọng trầm ấm ngọt ngào, Bachelet đã biến Emmanuelle trở thành một trong những ca khúc nhạc phim nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất trên thế giới.
Bá Vũ