Trao đổi với tôi

http://www.buidao.com

12/9/09

[Hacking] Săn tên miền - thú tiêu khiển mới của hacker!

Những ngày cuối năm 2002, hàng loạt website nổi tiếng lần lượt bị “luộc” domain name (tên miền). Tất cả các truy cập vào những website này đều bị chuyển về site của một nhân vật có biệt danh là beyeu. May mắn thay, vụ beyeu này cũng nhanh chóng kết thúc khi Enom - nhà cung cấp domain name nổi tiếng thế giới - sửa chữa lỗi bảo mật. Tuy nhiên, kể từ “sự kiện” beyeu, trong giới hacker, nhất là những hacker mới lớn, đã hình thành nên một trào lưu mới: săn domain name.

Những kẻ săn domain name

Trong hơn một năm vừa qua, các chuyên gia bảo mật trên thế giới đã phát minh khá nhiều kỹ thuật tấn công mới, chủ yếu nhắm vào các ứng dụng web như SQL Injection, Cross Site Scripting, Session Hijacking (*)... Số người nắm vững những kỹ thuật này chỉ đếm trên đầu ngón tay, tuy nhiên số người biết cách sử dụng chúng đủ để phá hoại thì hằng hà sa số.

Đa số các registrar (nơi cho phép đăng ký và quản lý domain name) như Enom, Godaddy, Stargateinc... đều chạy hệ điều hành Windows, ngôn ngữ lập trình được sử dụng cho các ứng dụng web là ASP với cơ sở dữ liệu là Microsoft SQL server. Đây được xem là môi trường rất lý tưởng để nuôi... bug (từ dùng để chỉ lỗ hổng bảo mật). Thế là các registrar lại trở thành bãi chiến trường của các hacker và cũng là nơi để mưu cầu... sự nổi tiếng.

Lần lượt từ Stargateinc đến Enom, chuyển qua Godaddy, rồi đến registerfly.com, register.com, và gần đây nhất là OnlineNic.com đều trở thành nạn nhân của giới hacker VN. Đó là chưa kể hàng trăm registrar nhỏ khác được các hacker tấn công lẻ tẻ cho vui cũng như làm nơi để họ thực hành các kỹ thuật mới.

Cộng đồng Internet VN rơi vào tình trạng vô cùng hỗn loạn bởi vì domain name của các website cứ đội nón ra đi, đến nỗi unknown, biệt danh một webmaster khá nổi tiếng, đã đưa ra lời khuyên: “Nếu bạn đăng ký domain name cho website của mình, hãy giấu nó đi, đừng cho đám săn domain biết, bởi vì nếu chúng biết có nghĩa là bạn hãy vắt óc mà nghĩ ra một domain name đẹp khác và quên domain name cũ đi”.

Nổi đình nổi đám trong các nhóm chuyên săn domain name có nhóm hacker tự xưng là Black Hat Ass. (BHA). Đứng đầu nhóm này là một hacker còn khá trẻ tuổi, biệt danh Huyremy, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội. Huyremy nổi danh trong giới hacker khi tấn công vào Enom và cướp lấy domain name của website ZideanArt.com, một website về đồ họa rất nổi tiếng và hoàn toàn miễn phí của giới designer VN. Lý do khá đơn giản: giới designer dám chê nhóm hacker của Huyremy (!?). Tiếp sau đó, lần lượt Diendantinhoc.com, Amthuc.com đều trở thành nạn nhân của Huyremy.

Domain name là thành phần không thể thiếu của một website, dài hay ngắn, đẹp hay xấu đều ảnh hưởng rõ rệt đến số lượt truy cập website đó.

Vì vậy nếu đã đầu tư tiền bạc, công sức để xây dựng một website, chúng tôi khuyên bạn cũng đừng tiếc tiền khi đăng ký domain name.

Số tiền bạn bỏ ra để đăng ký domain name tỉ lệ thuận với chất lượng của domain name đó cũng như độ bảo mật của registrar.

Hiện nay số registrar nổi tiếng chưa bị tấn công còn khá ít. Nổi bật trong số đó là NetworkSolutions.com và MelbourneIT.com.Giá một domain name ở hai registrar này khá đắt, 35 USD. Tuy nhiên bạn sẽ an tâm, không còn phải nơm nớp lo sợ một ngày nào đó website của bạn trở thành khuyết danh.

Là người quản lý domain name, bạn phải có ý thức về bảo mật, cảnh giác với các thủ đoạn lừa gạt, luôn cập nhật tiện ích anti -virus, sửa chữa các lỗi bảo mật ở ngay chính máy tính của mình.

Kinh nghiệm cho thấy 80% trình duyệt web của người sử dụng Internet ở VN đều chưa vá các lỗ hổng bảo mật, và khi bạn sử dụng những trình duyệt đó truy cập vào các trang web xấu, nguy cơ bị tấn công là rất cao.

Theo đánh giá của các hacker khác, sở dĩ Huyremy, một hacker gõ lệnh Linux còn sai lên sai xuống, có thể tấn công nhiều registrar là do tay hacker này khá giỏi trong việc sử dụng kỹ thuật social engineering (từ lóng dùng để chỉ những kỹ thuật...lừa gạt).

Ví dụ như để đánh cướp domain name của bạn, hắn sẽ đánh lệnh whois để xem email của bạn dùng để quản lý cái domain name. Tiếp sau đó hắn sẽ gửi virus trojan đến email này, cố gắng lừa gạt để bạn mở trojan ra, và sau đó sớm hay muộn gì domain name của bạn sẽ thuộc về hắn.

Nếu tấn công bạn không được, hắn sẽ quay sang lừa gạt registrar. Ví dụ email của bạn là quanlydomain@yahoo.com, hắn sẽ đăng ký một email hao hao giống vậy, chẳng hạn như quan1ydomain@yahoo.com (chú ý chữ l trong “quanlydomain” đã bị thay bằng số 1).

Sau đó hắn sẽ dùng email này để liên lạc với registrar, viện cớ là mình mất password và nhờ registrar gửi lại password. Theo như lời Huyremy tự nhận, cách này thành công với xác suất hơn 90%.

Thông thường nếu tấn công bằng social engineering không thành công, giới săn domain name sẽ chuyển qua tấn công bằng các kỹ thuật hacking đã đề cập ở trên. Sử dụng CC “chùa” (thẻ tín dụng bị đánh cắp), chúng đăng ký account tại các registrar muốn xâm nhập. Sau đó chúng sẵn sàng bỏ ra hàng giờ, hàng ngày, thậm chí hàng tháng để dò tìm bug ở những registrar này.

Tiền đâu mà chúng trả cước phí Internet ? Đơn giản là chúng đâu phải trả tiền Internet, account Internet chùa đầy rẫy trên các website do chúng lập ra. Những website này cũng là nơi để khoe khoang chiến tích, để chửi rủa nhau và cũng là nơi để thỏa mãn cơn ghiền... sex.

Đánh cướp domain name = phạm pháp ?

Hành vi đánh cướp domain name cũng tương tự hành vi đánh cướp tài sản cá nhân. Tuy nhiên, khi bị cướp domain name, các khổ chủ chỉ biết kêu trời, có người lại còn phải van xin nài nỉ kẻ cướp để chuộc lại tài sản hợp pháp của mình.

Sở dĩ giới hacker săn domain name hoành hành dữ dội, không sợ bất cứ điều gì là do ở VN vẫn chưa có các văn bản pháp luật cho không gian điều khiển đúng nghĩa của nó và chưa được thực thi một cách nghiêm chỉnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, văn bản có tính pháp lý duy nhất ở VN là nghị định 55 CP do Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 8-2001. Điều 41, nghị định 55 CP qui định về vấn đề khiếu nại, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động Internet, trong đó nêu rõ các mức phạt hành chính cũng như các khung phạt truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất là tử hình đối với hành vi phạm tội có liên quan đến bí mật quốc gia.

Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, Bộ Công an phối hợp với Interpol quốc tế và các registrar nổi tiếng như registerfly.com đang tiến hành điều tra và theo dõi các nhân vật cộm cán chuyên đánh cướp domain name rồi tống tiền. Thiết nghĩ chúng ta phải mạnh tay với loại tội phạm mới rất nguy hiểm này để ngăn ngừa những nguy cơ về sau.

Domain name là thành phần không thể thiếu của một website, dài hay ngắn, đẹp hay xấu đều ảnh hưởng rõ rệt đến số lượt truy cập website đó.

Vì vậy nếu đã đầu tư tiền bạc, công sức để xây dựng một website, chúng tôi khuyên bạn cũng đừng tiếc tiền khi đăng ký domain name.

Số tiền bạn bỏ ra để đăng ký domain name tỉ lệ thuận với chất lượng của domain name đó cũng như độ bảo mật của registrar.

Hiện nay số registrar nổi tiếng chưa bị tấn công còn khá ít. Nổi bật trong số đó là NetworkSolutions.com và MelbourneIT.com.Giá một domain name ở hai registrar này khá đắt, 35 USD. Tuy nhiên bạn sẽ an tâm, không còn phải nơm nớp lo sợ một ngày nào đó website của bạn trở thành khuyết danh.

Là người quản lý domain name, bạn phải có ý thức về bảo mật, cảnh giác với các thủ đoạn lừa gạt, luôn cập nhật tiện ích anti -virus, sửa chữa các lỗi bảo mật ở ngay chính máy tính của mình.

Kinh nghiệm cho thấy 80% trình duyệt web của người sử dụng Internet ở VN đều chưa vá các lỗ hổng bảo mật, và khi bạn sử dụng những trình duyệt đó truy cập vào các trang web xấu, nguy cơ bị tấn công là rất cao.

---------------------------------------

(*) SQL Injection: kỹ thuật chèn thêm lệnh vào câu truy vấn để tấn công hệ thống cơ sở dữ liệu.

Cross Site Scripting: kỹ thuật chèn thêm mã javascript hoặc vbscript vào trang website để đánh cắp thông tin cá nhân của người sử dụng.

Session Hijacking: kỹ thuật đánh cắp phiên làm việc để chiếm quyền điều khiển tài khoản của người sử dụng.


Bài viết của mrro